Tin hoạt động Cán bộ, GV

Tự hào áo dài truyền thống Việt

Từ ngày 2/3 đến ngày 8/3/2020, Trung ương hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động tuần lễ phụ nữ cả nước mặc áo dài. Đây là hoạt động trong khuôn khổ sự kiện “Áo dài – Di sản văn hóa Việt Nam” tổ chức nhân kỷ niệm 90 năm thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, 110 năm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3. Nhân sự kiện này, Khoa Ngoại ngữ – Đại học Thái Nguyên đã hưởng ứng phong trào tuần lễ mặc áo dài nhằm tôn vinh các nét đẹp, giá trị của áo dài trong đời sống xã hội, khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn và phát huy di sản văn hóa Việt Nam trong mỗi cán bộ, nữ giảng viên, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của trang phục dân tộc Việt Nam.
“Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố. Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó…”. Đã từ lâu, khi nhắc đến người phụ nữ Việt Nam, bạn bè quốc tế lại trầm trồ nhắc về chiếc áo dài. Chiếc áo dài Việt Nam được coi là loại trang phục truyền thống thể hiện được vẻ đẹp và tâm hồn người phụ nữ Việt.
Áo dài thực sự đã trở thành một biểu tượng của văn hóa Việt Nam. Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam duyên dáng trong tà áo dài đã đi vào những trang thơ đầy mơ mộng, huyền ảo:

“Áo trắng đơn sơ mộng trắng trong,

Hôm xưa em đến, mắt như lòng.

Nở bừng ánh sáng. Em đi đến,

Gót ngọc dồn hương, bước tỏa hồng” (Huy Cận).

Áo dài đã gắn liền với tâm hồn người Việt từ nghìn đời nay, “dù ở đâu, Paris, London, hay những miền xa”. Dù thời gian có trôi đi, áo dài vẫn sẽ mãi mãi trường tồn với đất nước và con người Việt Nam.

Gọi là áo dài là theo cấu tạo của áo, thân áo gồm hai mảnh bó sát eo của người phụ nữ rồi từ đáy lưng, hai thân thả bay xuống tận gót chân tạo nên những bước đi duyên dáng, mềm mại, uyển chuyển hơn cho người con gái.

Tấm áo lụa mỏng thướt tha với nhiều màu sắc kín đáo trang nhã lướt trên đường phố trở thành tâm điểm chú ý và là bông hoa sáng tôn lên vẻ yêu kiều, thanh lịch cho con người và khung cảnh xung quanh. Từ những cô nữ sinh đến các chị, các mẹ, các bà mỗi khi mặc áo dài đều mang đến vẻ đẹp duyên dáng, đằm thắm. Hình ảnh những cô giáo với tà áo dài trong trắng trên giảng đường đầy xao xuyến.

Tà áo dài bay trên khắp mọi nẻo đường của đất nước, trong các buổi lễ hội quan trọng, trong những buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ.

Chiếc áo dài thướt tha theo chân các cô giáo Khoa Ngoại ngữ tung bay khắp năm châu, bốn bể khi tham gia học tập, nghiên cứu, hội thảo ở nước ngoài. Cảm giác mặc chiếc áo dài thân thương ấy như đang muốn nhắn gửi bao lời giới thiệu với bạn bè quốc tế về vẻ đẹp tiềm ẩn, nhân văn của đất nước Việt.

Trải qua từng thời kì, từng giai đoạn cùng với những diễn biến của quá trình lịch sử Việt Nam, tà áo dài Việt Nam luôn tồn tại theo dòng thời gian, vẫn mãi sẽ là tâm hồn Việt, văn hóa Việt, là tinh thần Việt và là trang phục truyền thống mang đậm tính lịch sử lâu đời của nước Việt ngàn năm văn hiến.

Chia sẻ: