Cán bộ, giảng viên, NLĐ

Hội nghị triển khai Đề án khảo sát việc làm sinh viên sau tốt nghiệp và nhu cầu tuyển dụng giai đoạn 2018 – 2021

Sáng ngày 23/8/2018, Khoa Ngoại ngữ – Đại học Thái Nguyên tổ chức thành công “Hội nghị triển khai Đề án khảo sát việc làm sinh viên sau tốt nghiệp và nhu cầu tuyển dụng giai đoạn 2018 – 2021”, TS. Lê Hồng Thắng – Bí thư Đảng ủy – Trưởng khoa Khoa Ngoại ngữ chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị về phía Đại học Thái Nguyên có TS. Nguyễn Tất Thắng – Trưởng ban Công tác HSSV; TS. Phạm Văn Hùng – Trưởng ban Khảo thí và ĐBCLGD; ThS. Nguyễn Thị Thu Hương – Phó Trưởng ban Khảo thí và ĐBCLGD; TS. Đỗ Như Tiến – Phó trưởng ban Ban Đào tạo.

Về phía Khoa Ngoại ngữ có TS. Lưu Quang Sáng – Phó Trưởng Khoa Ngoại ngữ, Phó Bí thư Đảng ủy; TS. Nguyễn Trọng Du – Phó Trưởng khoa Khoa Ngoại ngữ cùng đại diện Tổ trợ lí, Bộ môn, thành viên Bộ phận thực hiện triển khai Đề án.

TS. Lê Hồng Thắng – Bí thư Đảng ủy, Trưởng Khoa Ngoại ngữ – ĐHTN phát biểu khai mạc Hội nghị.

Phát biểu Khai mạc Hội nghị, TS. Lê Hồng Thắng Trưởng Khoa Ngoại ngữ cho biết thực hiện nội dung thông tư số 05/2017/TT-BGDĐT ngày 25/01/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy, quy định từ năm 2018 trở đi, các trường phải công bố thêm thông tin về tổng chi phí để đào tạo 1 sinh viên/năm, tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của 2 khóa gần nhất so với năm tuyển sinh (theo nhóm ngành). Khoa Ngoại ngữ – ĐHTN đã tiến hành xây dựng “Đề án khai Đề án khảo sát việc làm sinh viên sau tốt nghiệp và nhu cầu tuyển dụng giai đoạn 2018 – 2021” và được Đại học Thái Nguyên thông qua và phê duyệt theo quyết định số 633/QĐ-ĐHTN, ngày 09/4/2018.

Bên cạnh việc tập trung phát triển công tác tuyển sinh, công tác đào tạo, Khoa Ngoại ngữ – Đại học Thái Nguyên luôn chú trọng tới công tác việc làm của sinh viên sắp tốt nghiệp và sau tốt nghiệp. Ban Chủ nhiệm Khoa đã giao Tổ Công tác học sinh sinh viên tiến hành khảo sát, đánh giá đúng đắn thực trạng việc làm, nhu cầu tuyển dụng và lấy ý kiến của cựu sinh viên về tính phù hợp của chương trình đào tạo với thị trường lao động. Mục đích của việc khảo sát việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp và nhu cầu tuyển dụng bao gồm:

Nắm bắt chính xác thực trạng việc làm và khả năng tham gia vào thị trường lao động của sinh viên sau khi tốt nghiệp; Qua ý kiến cựu sinh viên, Khoa sẽ chủ động biết rõ hơn cần phải làm gì, làm thế nào, có thay đổi, bổ sung, điều chỉnh gì về chỉ tiêu ngành nghề hàng năm, chương trình, kỹ năng, phương pháp, các điều kiện đảm bảo và từng bước nâng cao chất lượng đào tạo tiệm cận với chuẩn của khu vực và quốc tế để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người học và thực tiễn xã hội, đồng thời hỗ trợ được người học trong thời gian ngồi trên ghế nhà trường, căn cứ để xây dựng và phát triển mạng lưới kết nối cựu sinh viên,…  Các thông tin qua khảo sát còn hữu ích đối với công tác quản lý, thanh, kiểm tra, góp phần triển khai công tác tự đánh giá trong Khoa trong quá trình đào tạo theo quy định;

Người quản lý cũng dễ dàng đề ra chiến lược, giải pháp, quy hoạch mở ngành đào tạo mới… thực hiện tốt mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực cung cấp cho công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của khu vực và cả nước; nâng cao tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm và được làm việc đúng ngành, chuyên ngành đào tạo, giảm thiểu tỉ lệ thất nghiệp.

ThS. Lê Văn Thủy – Tổ phó Tổ Công tác HSSV Khoa ngoại ngữ trình bày nội dung của “Đề án khảo sát việc làm  sinh viên sau tốt nghiệp và nhu cầu tuyển dụng giai đoạn 2018 – 2021” tại Hội nghị.

Trong hội nghị, ThS. Lê Văn Thủy – Tổ phó Tổ Công tác HSSV đã trình bày những thuận lợi, khó khăn, kết quả đạt được khi bước đầu triển khai thực hiện Đề án tại Khoa Ngoại ngữ, dự kiến kế hoạch triển khai trong thời gian tới. Nhận thức rõ việc tổ chức thực hiện Đề án là việc làm không đơn giản. Khó khăn lớn nhất là sự kết nối được với cựu sinh viên để nhận phản hồi. Bởi sinh viên sau khi tốt nghiệp đã nằm ngoài sự quản lý của Khoa và sự tham gia của họ đối với việc khảo sát chỉ dựa trên tinh thần tự giác, không thể ép buộc. Do vậy, giúp sinh viên nhận thấy tầm quan trọng, cũng như vai trò, trách nhiệm của mình đối với việc phản hồi về tình trạng công việc sau khi ra trường cần được thực hiện thường xuyên khi sinh viên còn đang học.

Đối với nhà tuyển dụng cũng vậy, cần giúp họ hiểu được sự hợp tác trách nhiệm và nhiệt tình cùng với ý nghĩa của những thông tin họ cung cấp đối với công tác đào tạo của Khoa, chính điều đó sẽ tạo nên chất lượng nguồn nhân lực mà họ cần tuyển dụng.

Với quyết tâm thực hiện thành công nhiệm vụ của Đề án, toàn thể cán bộ, giảng viên với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Khoa Ngoại ngữ, sự hỗ trợ từ phía Đại học Thái Nguyên về định hướng thực hiện và nguồn lực (cơ sở vật chất, kinh phí), sự phối hợp vào cuộc có trách nhiệm của các đơn vị trong Khoa, đơn vị chuyên trách, tổ chức đoàn hội, giảng viên…để thực hiện. Bước đầu thực hiện đã thu được kết quả, cụ thể: Năm học 2016 – 2017, Khoa đã công nhận tốt nghiệp và cấp bằng cho 600 sinh viên. Kết quả khảo sát, 500 sinh viên phản hồi chiếm 83,33 % (410 hiện đang có việc chiếm 82,00 %, 90 đang tìm việc). Năm học, 2017 – 2018, công nhận và cấp bằng cho 449 sinh viên. Tính đến 06/2018, kết quả khảo sát thu được: 437 sinh viên phản hồi chiếm 97,3% (339 hiện đang có việc làm chiếm 77.6, 07 đang học nâng cao, 98 đang tìm việc). Hằng năm, tổ chức nhiều đợt tuyển dụng, nhằm tạo cơ hội để sinh viên được tiếp xúc với các nhà tuyển dụng, lựa chọn được công việc phù hợp,…, Tính đến thời điểm hiện tại, đã xây dựng và kết nối, kí hợp tác với hơn 30 nhà tuyển dụng.

TS. Phạm Văn Hùng – Trưởng ban Khảo thí và ĐBCLGD  – ĐHTN phát biểu tại Hội nghị.

Sau khi được nghe những trình bày trên, TS. Phạm Văn Hùng – Trưởng ban Khảo thí và ĐBCLGD – ĐHTN đã giới thiệu những kinh nghiệm thực tế về cách thức triển khai hiệu quả của nhiều trường trong nước và quốc tế để từ đó Khoa có thể học hỏi và lựa chọn những các thức phù hợp để triển khai tại đơn vị.

ThS. Nguyễn Thị Thu Hương – Phó trưởng ban Khảo thí và ĐBCLGD – ĐHTN chia sẻ một số phương pháp điều tra, khảo sát.

Đến với hội nghị, ThS. Nguyễn Thị Thu Hương – Phó trưởng ban Khảo thí và ĐBCLGD – ĐHTN đã có những góp ý về cách thức xây dựng nội dung khảo sát và một số phương pháp khảo sát mới cần áp dụng.

TS. Bùi ngọc Tuấn – Trưởng phòng Công tác HSSV, Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông chia sẻ và giới thiệu ứng dụng CNTT trong công tác khảo sát.

 TS. Bùi Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Công tác HSSV – Trường ĐH Công nghệ thông tin và truyền thông là đơn vị bạn có gắn bó mật thiết với Khoa Ngoại ngữ đã chia sẽ việc ứng dụng Công nghệ thông tin trong việc xây dựng dữ liệu sinh viên, dữ liệu nhà tuyển dụng, lập phiếu khảo sát, tổng hợp, phân tích số liệu,….

TS. Nguyễn Tất Thắng, Trưởng ban Công tác HSSV – ĐHTN chia sẽ những khó khăn và nỗ lực quyết tâm cao Thầy và trò Khoa Ngoại ngữ đang thực hiện. Từ phía Đại học Thái Nguyên sẽ huy động tối đa nguồn lực và cơ sở vất giúp Khoa hoàn thành nhệm vụ.

Điều này đã giúp Khoa thực hiện tốt công tác khảo sát và tăng cường kết nối, mở rộng với các đơn vị tuyển dụng, tạo nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường, khẳng định chất lượng đào tạo, kịp thời điều chỉnh chương trình đào tạo, dự báo ngành đào tạo tương lai góp phần xây dựng nhà trường ngày càng phát triển hơn nữa, cung cấp và đáp ứng nhu cầu lao động có trình độ ngoại ngữ cho xu thế hội nhập toàn cầu của đất nước ta.

Hội nghị diễn ra thành công và đúng theo kế hoạch và thể hiện sự đồng lòng đoàn kết của Khoa Ngoại ngữ – ĐHTN.

Ảnh lưu niệm kết thúc Hội nghị thành công tốt đẹp.

Chia sẻ: